Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Chủ nhật - 22/11/2020 21:09
Nguồn nhân lực là nhân tố trung tâm, quyết định sức mạnh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nghiên cứu quy mô, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực; phân tích và dự báo yêu cầu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hẹp khoảng cách trong đào tạo giữa trường đại học và yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học. Đó là những lời mở đầu trong báo cáo đề dẫn của PGS.TS.Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Hội thảo khoa học: “Yêu cầu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0” được diễn ra ngày 18/11/2020 tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo ra diễn đàn trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị sử dụng lao động trong việc nhận diện yêu cầu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực; khoảng cách trong đào tạo giữa trường đại học và yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như giải pháp thu hẹp khoảng cách này thông qua mô hình hợp tác giữa cơ sở giáo dục đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động.
PGS.TS.Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu đề dẫn Hội thảo
PGS.TS.Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và ThS. Đoàn Văn Tình - Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo đến từ 14 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; các nhà khoa học đến từ 06 cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cùng với hơn 40 lãnh đạo, viên chức, giảng viên các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Ban Tổ chức đã lựa chọn được 42 bài viết để đưa vào kỷ yếu và có 10 tham luận, cùng nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp được thảo luận trực tiếp trong 02 phiên làm việc của Hội thảo.

Phiên 01 với chủ đề “Yêu cầu của doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học”.
Bà Đoàn Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc Nội chính, Công ty Cổ phần Hồng Lam mở đầu phiên thảo luận thứ Nhất với tham luận: “Nhu cầu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực và một số vấn đề đặt ra đối với cơ sở đào tạo”. Sử dụng mô hình khung năng lực KSA (kiến thức, kỹ năng, thái độ), chuyên gia Vân Anh đã làm rõ thực trạng chân dung của sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay và chân dung của một ứng viên là sinh viên sau khi tốt nghiệp mà doanh nghiệp mong muốn. Trên cơ sở làm rõ khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp; phân tích các nguyên nhân và gợi mở nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học.
TS.Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty TNHH Tư vấn quản lý OD Click tham luận với chủ đề: Cơ hội, thách thức trong đào tạo và những lệch lạc về nhận thức của sinh viên. Chuyên gia cho rằng xu thế chuyển đổi số, mở cửa thị trường, cạn kiệt tài nguyên đang tác động mạnh mẽ đến cách thức và hiệu quả vận hành của các tổ chức, doanh nghiệp. Xu thế tổ chức chuyển từ dựa trên nguồn lực sang dựa trên năng lực đặt ra những câu hỏi lớn về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Tiếp đó, TS.Đỗ Tiến Long đã đề cập đến ba hội chứng lệch lạc nhận thức của một bộ phận sinh viên sau tốt nghiệp: (1) Tâm lý vọng tưởng; (2) Thiên kiến lệch lạc về sự đấu tranh, phản kháng lãnh đạo và thiếu gắn kết; (3) “Căn tính khỉ” nhí nhảnh, hời hợi, tư lợi, đứng núi này trông núi nọ. Trên cơ sở đó, tác giả cho rằng các trường đại học nên tập trung đào tạo, tạo dựng nền tảng con người, năng lực lõi để thích ứng với bối cảnh biến động và vì lợi ích dài hạn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu tham luận
Tiếp đó, ông Trần Phú Hiệu - Giám đốc Công ty Cổ phần Du học Vita Vina đã phân tích 5 kỹ năng, 5 phẩm chất cần trang bị cho sinh viên trong nền kinh tế tri thức và bối cảnh toàn cầu hóa. Các kỹ năng, gồm: (1) kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2 (đặc biệt tiếng Anh); (2) Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong khai thác tài nguyên trên mạng internet và sử dụng các phần mềm; (3) Kỹ năng tương tác và làm việc trong môi trường đa văn hóa; (4) Kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo; (5) Kỹ năng xây dựng và làm chủ các mối quan hệ; 5 phẩm chất sinh viên cần được rèn luyện, gồm: tự tin, tín nhiệm, trách nhiệm, thích ứng và tự hoàn thiện. Trên cơ sở đó, tham luận đã đưa ra 03 khuyến nghị đối với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, trên cơ sở mô hình học viện trong doanh nghiệp của Tập đoàn Viettel, TS.Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Trưởng Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đưa ra những gợi ý về mô hình học viện trong doanh nghiệp và doanh nghiệp trong trường đại học; vấn đề xây dựng “bộ gen nhân lực”, làm cơ sở để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, cùng với bộ dữ liệu về việc làm của sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, TS.Nguyễn Nghị Thanh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Nội vụ đã sử dụng mô hình cây quyết định và hồi quy logistic để dự báo nguồn nhân lực sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội làm việc trong khu vực tư nhân.
Những ý kiến từ các tham luận được tiếp tục thảo luận bởi TS.Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ThS. Trương Anh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bizen Việt Nam và các nhà khoa học. Trên cơ sở đó, ThS. Đoàn Văn Tình - Đồng chủ trì Hội thảo đã kết luận sơ bộ: Phiên thứ Nhất của Hội thảo đã làm rõ được thực trạng nguồn nhân lực; nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực cần có của sinh viên sau khi tốt nghiệp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; khoảng cách trong đào tạo nguồn nhân lực giữa trường đại học và yêu cầu của doanh nghiệp; những thách thức đặt ra đối với các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực.

Phiên 02 của Hội thảo được diễn ra với chủ đề “Trường đại học và doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển trong nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
TS.Phạm Văn Đại - Phó trưởng Khoa Quản lý xã hội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh về đề xuất 04 nội dung hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vì lợi ích của cả hai bên và người học. Trong khi đó, ThS. Dương Thu Hà, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Videc, Giám đốc Công ty Giáo dục ONENESS đã phân tích bối cảnh tự chủ đại học từ góc độ pháp lý, lý luận và thực tiễn; lợi ích, rào cản và cơ hội hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Để sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiệu quả, thực chất, ThS. Dương Thu Hà đề xuất Trường Đại học Nội vụ Hà Nội thành lập 01 Trung tâm có chức năng quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ người học và vận hành như một doanh nghiệp trong trường đại học.
Bên cạnh vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp, ông Phạm Anh Cường - Giám đốc Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo BestB Capital đã đưa ra mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia của bốn chủ thể: nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư, sinh viên; đồng thời đề xuất 05 giải pháp trong việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại cho các dự án khởi nghiệp và xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong trường đại học.
Tiếp đó, Ông Nguyễn Phi Nghị - Giám đốc Văn phòng MISA tại Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm của Misa trong việc hợp tác với 600 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường đào tạo nghề trên cả nước trong việc đào tạo, kiến tập, thực tập, giải quyết việc làm cho sinh viên. Ông Nguyễn Phi Nghị cho rằng, doanh nghiệp muốn có được sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu cần phải đồng hành với nhà trường trong xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cử chuyên gia của doanh nghiệp đến đào tạo cho sinh viên. Ngược lại, trường đại học phải tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, cử và khuyến khích sinh viên kiến tập, thực tập, học viên tại doanh nghiệp. Với hơn 60 nhân sự là sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã và đang làm việc cho Misa ở các vị trí thực tập sinh, cộng tác viên, nhân viên chính thức,… Đại diện của Misa cho rằng nếu trường đại học và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, sinh viên sau tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Tiếp đó, Chủ trì Hội thảo đã tổ chức thảo luận với nhiều ý kiến thu được từ các nhà khoa học, như PGS.TS.Mạc Văn Tiến - Nguyên Viện trưởng viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp; ThS.Bùi Trọng Tài - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ, Đại học Thái Nguyên; TS.Trương Quốc Việt - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Nội vụ Hà Nội,…
Các nhà khoa học đến từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu phát biểu tham luận
Các đại biểu đại diện cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã đưa ra những ý kiến nhận định, quan điểm, đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, từ cả góc độ doanh nghiệp và trường đại học đều mong muốn có sự hợp tác chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của các bên và vì người học và sự phát triển của xã hội.
PGS.TS.Nguyễn Quốc Sửu tổng kết kết quả của Hội thảo
Kết thúc chương trình Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đã tổng kết 14 tham luận và ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp tại Hội thảo. Hội thảo đã thảo luận, phân tích, đánh giá sâu sắc và đa chiều về thực trạng nguồn nhân lực là sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay; yêu cầu đặt ra đối với sinh viên và cơ sở đào tạo để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp; hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Những đề xuất và khuyến nghị của các đại biểu đối với cơ sở đào tạo nói chung, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói riêng được Nhà Trường trân trọng tiếp thu và vận dụng một cách phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Cuối cùng, thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu gửi lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp; lãnh đạo và viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã dành thời gian viết bài và tham dự Hội thảo. Đồng thời, lãnh đạo Nhà trường cũng chúc mừng toàn thể Khoa Quản trị nguồn nhân lực đã tổ chức thành công Hội thảo: “Yêu cầu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng 4.0”, thu nhận được nhiều ý kiến quý báu, đa chiều của các đại biểu đến tham dự Hội thảo.

Tác giả: Văn Thủy – Phương Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2,048
  • Tháng hiện tại18,302
  • Tổng lượt truy cập7,918,114
Cố vấn học tập
Nop san pham khoa hoc
Trung tâm Thông tin Thư viện
Cổng thông tin Sv.Huha.Edu.vn
Thi truc tuyen
http://tongdai111.vn/
Phân hiệu tại Quảng Nam
Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ
Trung tâm Dịch vụ công
Tạp chí Khoa học Nội vụ
Phân hiệu tại Tp Hồ Chí Minh
Viện nghiên cứu và phát triển
Dang ky tin chi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi