Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo; lãnh đạo các phòng thuộc Ban Quản lý đào tạo; lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và Phát triển nhân lực hành chính (trước thời điểm ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý bồi dưỡng); lãnh đạo Văn phòng; lãnh đạo Ban Tổ chức cán bộ; lãnh đạo Ban Kế hoạch – Tài chính; lãnh đạo Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng (trước thời điểm ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng); Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo đại học và Lãnh đạo các phòng: Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Quản lý đào tạo đại học; Phòng Quản lý đào tạo Sau đại học; Phòng Công tác sinh viên; Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng; lãnh đạo Văn phòng, Phòng Kế hoạch – Tài chính thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023); Các Phân viện trực thuộc Học viện và Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023).
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện cho biết, cuộc họp được tổ chức nhằm rà soát lại các nội dung trong việc triển khai Thông báo số 54/TB-HCQG ngày 19/01/2023 của Giám đốc Học viện về một số nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác đào tạo. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các đồng chí ở các đơn vị tham mưu công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (thời điểm trước 01/02/2023) báo các về hiện trạng công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các công việc triển khai trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến phát biểu, đóng góp, bổ sung, làm rõ hơn những nhiệm vụ đã và đang triển khai, những khó khăn, vướng mắc, những việc cần triển khai gấp trong thời gian tới, như: việc xây dựng đề án tuyển sinh năm 2023; dự trù nguồn kinh phí dành cho hoạt động đào tạo; mở mã ngành mới; công tác chuẩn bị tuyển sinh, truyền thông về công tác tuyển sinh; phát triển phần mềm quản lý đào tạo; dự toán kinh phí chế độ chính sách…
Báo cáo tại cuộc họp, ThS. Đỗ Thị Thanh Mỹ, Phó Trưởng phòng, Phòng Quản lý đào tạo đại học (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, thời điểm trước 01/01/2023) cho biết:
Về hiện trạng công tác đào tạo đại học: hiện nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (cũ) đang đào tạo 14 ngành: Quản trị nhân lực; Thông tin – Thư viện (và chuyên ngành Quản trị thông tin); Lưu trữ học (và chuyên ngành Văn thư lưu trữ); Quản trị văn phòng (và chuyên ngành Thư ký văn phòng doanh nghiệp); Quản lý nhà nước (và chuyên ngành Quản lý nhà nước về kinh tế); Quản lý văn hóa (và chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch); Chính trị học (và chuyên ngành Công tác tôn giáo); Luật (và chuyên ngành Thanh tra); Hệ thống thông tin (và chuyên ngành Hệ thống thông tin thương mại điện tử); Văn hóa học (và 02 chuyên ngành Văn hóa du lịch, Văn hóa truyền thông); Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước (và chuyên ngành Tổ chức cán bộ); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Kinh tế; Ngôn ngữ Anh (và 02 chuyên ngành Tiếng Anh du lịch và Biên phiên dịch).
Về chương trình đào tạo: mỗi ngành, chuyên ngành tương ứng với một chương trình đào tạo đại trà và theo định hướng ứng dụng (chưa có chương trình đào tạo liên kết, chất lượng cao hoặc các chương trình đào tạo đặc thù khác).
Quy mô đào tạo: hiện nay tổng số sinh viên đang được đào tạo ở các ngành trên toàn hệ thống là 10.281 sinh viên.
Các khóa trúng tuyển năm 2020, 2021 đang học học kỳ 2 năm học 2022-2023, khóa trúng tuyển năm 2022 đang học học kỳ 1 năm học 2022-2023 (kết thúc học kỳ vào 26/02/2023). Khóa trúng tuyển năm 2019 đang học học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp hoặc làm khóa luận tốt nghiệp.
Trong năm 2023, liên quan đến công tác đào tạo đại học, bộ phận quản lý đào tạo đại học phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh; xây dựng kế hoạch đào tạo, thời khóa biểu; phát triển ngành/ chuyên ngành, chương trình đào tạo và biên soạn đề cương học phần; quản lý quá trình đào tạo; quản lý, hoàn thiện, khai thác phần mềm quản lý đào tạo.
Về các vấn đề liên quan đến công tác sinh viên, ThS. Dương Văn Nam, Trưởng phòng, Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, thời điểm trước 01/01/2023) cho biết, hiện nay Phòng đang thực hiện nhiệm vụ: quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với người học; quản lý hồ sơ của người học; quản lý công tác nội trú, ngoại trú; thực hiện chế độ, chính sách, phong trào, khen thưởng, kỷ luật đối với người học; thực hiện đánh giá rèn luyện đối với người học; khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; hỗi trợ người học về thủ tục hành chính, về khỏi nghiệp, việc làm…
Trong giai đoạn đang thực hiện sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia, Phòng Công tác sinh viên vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: vấn đề kinh phí để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong quản lý ký túc xá; việc tiếp nhận, trả hồ sơ, thủ tục hành chính cho người học; việc cấp thẻ sinh viên có liên kết ATM và thực hiện thu học phí, chi trả học bổng và tiền chính sách qua tài khoản…
Phát biểu kết luận cuộc họp, PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, tất cả vì lợi ích người học, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể sau:
(1) Giao Ban Quản lý đào tạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý đào tạo đại học và sau đại học.
(2) Đối với Đề án tuyển sinh đại học năm 2023: lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo tham mưu cho Giám đốc Học viện báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo các nội dung liên quan công tác đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về công tác tuyển sinh năm 2023 của Học viện; lãnh đạo các Phân viện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyển sinh năm 2023 để có đề xuất cụ thể; giao Phòng Quản lý đào tạo đại học tham mưu trình Giám đốc Học viện nhân sự và kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.
(3) Ban Tổ chức cán bộ nhanh chóng tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự; sau thời gian 10 ngày kể từ ngày nhân sự trong toàn hệ thống Học viện được kiện toàn thì chuyển thông tin về các giảng viên, các nhà khoa học cho Ban Quản lý đào tạo và Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính để làm công tác sắp xếp, bố trí giảng viên.
(4) Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nắm hồ sơ, tiếp quản việc nghiên cứu khoa học của sinh viên đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
(5) Đối với đội ngũ giảng viên: trong quá trình bố trí, sắp xếp lịch giảng, đề nghị các đơn vị quản lý đào tạo và các khoa chuyên môn bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ giảng viên, bảo đảm việc sử dụng giảng viên theo năng lực, sở trường, chuyên môn; đối với những giảng viên thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nếu đã tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cấp phòng, chuyên viên và chuyên viên chính thì được tiếp tục bố trí để giảng dạy các lớp bồi dưỡng trên mà không cần qua thẩm định bài giảng, trường hợp đăng ký giảng dạy chuyên viên cao cấp, cấp vụ, cấp sở, cấp huyện thì thực hiện việc thẩm định theo các quy định của Học viện; đối với đội ngũ giảng viên của Học viện trước ngày 01/01/2023, nếu đã giảng dạy các học phần hoặc tín chỉ trong chương trình đào tạo đại học mà có nội dung tương đồng (trên 70%) với chương trình đào tạo đại học của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội thì không phải qua giảng báo cáo.
(6) Đối với các lịch học đã được Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát hành, tiếp tục thực hiện cho đến khi có thông báo mới của Giám đốc Học viện.
(7) Đối với viên chức, người lao động của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có thông báo mới của Giám đốc Học viện.
(8) Giao Phòng Quản lý đào tạo rà soát các hội đồng liên quan đến công tác đào tạo đại học; chủ trì, tham mưu cho Giám đốc Học viện hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo; rà soát, báo cáo nhu cầu phòng học và nhu cầu cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo đại học gửi về Văn phòng Học viện
(9) Giao Ban Kế hoạch – Tài chính tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí giải quyết chế độ chính sách cho sinh viên trong toàn bộ hệ thống, đảm bảo quyền lợi của sinh viên; phối hợp với Văn phòng tham mưu cơ chế tạm ứng tài chính để đảm bảo việc vận hành của ký túc xá; nghiên cứu phương án quản lý, khai thác, sử dụng căng tin.
(10) Trung tâm Công nghệ – Thư viện tham mưu kế hoạch in ấn, xuất bản tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo đại học, sau đại học; phối hợp với Ban Chuyển đổi số của Học viện để số hóa thư viện, trên cơ sở kế thừa nguồn tài nguyên của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; đồng thời có kế hoạch phục vụ sinh viên khai thác tài liệu.
(11) Công tác khảo thí, đảm bảo chất lượng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho việc đào tạo đại học, sau đại học.
(12) Quy trình giảng báo cáo thực hiện như quy trình của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; quy trình giảng các chương trình bồi dưỡng cấp vụ, sở, huyện thực hiện như quy trình Học viện đang làm.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Tác giả: Như Ngọc - Napa.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn