Trường Đại học Nội vụ Hà Nộihttps://huha.edu.vn/uploads/logo_napa.png
Thứ sáu - 17/09/2021 06:03
Sáng 17/9, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại hiệu lực, hiệu quả” bằng hình thức trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội chủ trì.
Tham dự Hội thảo có TS.Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… đã quan tâm và dành thời gian tham dự và tham luận tại hội thảo. Sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã góp phần quan trọng cho buổi hội thảo đi đến thành công. Những tham luận được gửi đến và tham luận đăng ký trình bày sẽ là cơ sở khoa học quan trọng góp phần giúp Nhà trường có thêm góc nhìn, tư liệu… phục vụ trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.
Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Bối cảnh mới của đất nước và yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” theo Quyết định số 24/QĐ-BNV ngày 09/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc Bổ nhiệm Chủ nhiệm Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021 – 2025, nhóm nghiên cứu tập trung vào các nội dung:
Một là, tiếp cận quan niệm Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam theo hướng: Là quá trình nhà nước dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát của quản trị tốt để sử dụng các công cụ, phương tiện và huy động mọi nguồn lực quốc gia trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách, mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm đưa quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Các nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát mà quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả gồm: Sự tham gia rộng rãi của người dân và trách nhiệm, bổn phận công dân; Tính pháp quyền toàn diện và trách nhiệm của nhà nước; Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của khu vực công; Đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội ở mức cao; Đồng thuận và công bằng xã hội; Trách nhiệm quốc gia trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; Phát triển bền vững; Hiện đại, hiệu quả.
Hai là, về yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam: Xác định rõ những đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam; Bảo đảm và thực hiện tốt vai trò, chức năng khởi tạo của nhà nước trong định hình chiến lược phát triển quốc gia; Bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực của quốc gia vào xây dựng quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của khu vực công; Bảo đảm các điều kiện để xây dựng quốc gia số thích ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật; Kế thừa có chọn lọc, hiệu quả kinh nghiệm quốc tế vào quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; Tạo dựng vị thế quốc gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và quốc tế
Ba là, làm rõ những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả: Xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ; Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp; Đổi mới phân cấp, phân quyền giữa trung ương – địa phương; Nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực bộ máy hành chính nhà nước; Hiện đại hóa hành chính nhà nước trong quá trình chuyển đổi số; Thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính nhà nước.
Hội thảo đã được nghe các ý kiến, góc nhìn, quan điểm … của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về các nội dung xoay quanh chủ đề hội thảo. Dưới các góc nhìn từ lý luận đến thực tiễn, trong đó chú trọng như: “Đối mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả: Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng” của TS. Bùi Sỹ Tuấn đến từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tham luận “Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị quốc gia” của TS. Đào Thị Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. TS.Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo tham luận: "Đổi mới quy trình lập pháp – cấu phần quan trọng để đổi mới nền quản trị quốc gia". PGS.TS Đỗ Phú Hải, Học viện Quản lý giáo dục trình bày tham luận: "Nghiên cứu đo lường quản trị quốc gia". TS. Ngọ Văn Nhân với báo cáo tham luận: "Nhận thức về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả"…
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là vấn đề mới và khó đặc biệt là quản trị quốc gia. TS.Trần Anh Tuấn cho rằng cần phân biệt, chỉ rõ khái niệm, vai trò của quản lý nhà nước và quản trị quốc gia, nên đi đến sự thống nhất về vấn đề này.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến cho rằng: Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vị thế chính trị - ngoại giao Việt Nam không ngừng nâng cao: Một là, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hai là, tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Năng lực chủ trì, điều hành, điều phối của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định. Ba là, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả, đa dạng về cấp độ, hình thức và phương thức, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên tinh thần chủ động, tích cực.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến phát biểu cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã quan tâm tham dự và tham luận, đóng góp ý kiến bổ ích, mang đến cho Hội thảo những góc nhìn sâu rộng về chủ đề hội thảo. PGS.TS Nguyễn Bá Chiến đã gửi lời các ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, viên chức giảng viên đã dành thời gian quan tâm tham dự và đóng góp ý kiến và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của quý vị trong các chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm của Nhà trường tổ chức. Thông qua hội thảo, là dịp để nhóm nghiên cứu, viên chức, giảng viên Nhà trường có thêm góc nhìn bổ ích trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan chức năng./.