Hội thảo cải cách chính quyền địa phương tại Pháp và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam

Thứ tư - 17/07/2019 22:16
Ngày 10/12/2018, tại trụ sở Bộ Nội vụ Việt Nam đã diễn ra hội thảo chủ đề: “Cải cách chính quyền địa phương tại pháp và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam”. Hội thảo do Bộ Nội vụ phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tổ chức.
Tham dự Hội thảo, về phía Cộng hòa Pháp có ông Bertrand LORTHOLARY, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; bà Martine LAQUIEZE, Phó tỉnh trưởng L'Haÿ-les-Roses và một số nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Về phía Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có PGS.TS Nguyễn Bá Chiến – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc và các giảng viên, nhà nghiên cứu.
 
Hình 1. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Chính phủ và chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Nội vụ triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề quan trọng trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Thứ trưởng khẳng định, Hội thảo này rất cần thiết và mong muốn nhận được những chia sẻ của các chuyên gia Cộng hòa Pháp, các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam về xu hướng cải cách chính quyền địa phương quốc tế và kinh nghiệm xây dựng Luật chính quyền địa phương của Cộng hòa Pháp, cũng như những tư tưởng, nội dung cơ bản của Luật này. Qua đó, giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Hình 2. Ngài Đại sứ Pháp biểu tại Hội thảo

Trong bài phát biểu chào mừng, ngài Đại sứ Pháp Bertrand LORTHOLARY cho rằng năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, đặc biệt với chuyến thăm, làm việc tại Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại Việt Nam. Đó là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc, thắm tình hữu nghị giữa hai nước. Năm 2019, cũng sẽ có những chuyến viếng thăm, làm việc tại Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và chuyến thăm, làm việc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Việt Nam; cùng nhau tổ chức Hội thảo hợp tác phi tập trung. trước đó, Pháp đã ký kết hợp tác với Bộ Nội vụ Việt Nam trong các lĩnh vực về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quản lý nguồn nhân lực và cải cách chính quyền địa phương. Hiện nay, Pháp đang triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước.
Thuyết trình về nội dung cải cách chính quyền địa phương tại Pháp, bà Martine Laquieze đã làm rõ mô hình tổ chức tập trung áp dụng trong thời gian dài tại Pháp. Những bất cập trong mô hình này dẫn tới nước Pháp quan tâm tới vấn đề phân quyền để quy trình ra quyết định của chính quyển gần dân hơn bằng các hình thức như cấp ngân sách cho chính quyền địa phương theo gói (1979), trao thẩm quyền thực sự về thuế cho chính quyền địa phương, có xác định mức trần từ Nhà nước trung ương (1980), đến sự ra đời của Luật phân quyền năm 1982. Bà cũng đã chỉ ra những bất cập trong việc quản lý của chính quyền địa phương ở Pháp hiện nay, trong đó nhận mạnh đến việc năng lực của chính quyền xã không phù hợp với các thẩm quyền mới được trao, dẫn đến hình thành các cụ xã (các nghiệp đoàn cụm xã, cụm liên kết xã chung dự án…). Bà cũng chỉ ra rằng chính quyền địa phương tại Pháp đang trong quá trình cải cách. Xóa bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh đang là vấn đề tranh luận gay gắt trong cải cách chính quyền địa phương ở Pháp hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Chuyên viên chính Vụ Chính quyền địa phương trong bài báo cáo tham luận của mình cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 của Việt Nam đã khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trước đó, đã tạo được hành lang pháp lý để cơ quan nhà nước ở địa phương nâng cao hiệu lưc, hiệu quả hoạt động, đảm bảo việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, sau gần ba năm thực hiện và qua tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 với một số trọng tâm như: Hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; khắc phục các hạn chế, bất cập từ quy định của Luật hiện hành và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính….
Hình 3. Bà Nguyễn Thị Tú Thanh trình bày tham luận

Trong bài tham luận với chủ đề: “Vấn đề phân cấp, phân quyền trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 dưới góc độ quản trị địa phương”, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã làm rõ những vấn đề chính quyền địa phương dưới góc nhìn quản trị địa phương, các cách tiếp cận về chính quyền địa phương: cách tiếp cận chức năng; cách tiếp cận hình thức cấu trúc nhà nước; cách tiếp cận mức độ áp dụng nguyên tắc quản lý địa phương hay tự quản địa phương; cách tiếp cận dưới góc độ quản trị nhà nước. PGS.TS Nguyễn Bá Chiến cũng đưa ra những đề xuất quan trong trong nghiên cứu hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015: (1). Bảo đảm tính thống nhất của quản lý nhà nước về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngàn, lĩnh vực; tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia và nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất. (2). Bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền. Hạn chế sự can thiệp không cần thiết của chính quyền trung ương và chính quyền cấp trên đối với các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. (3). Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và phù hợp. Nhìn từ góc độ phân cấp, phân quyền, PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: Đảm bảo tính thống nhất của quản lý nhà nước về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền. Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và tính phù hợp. Gắn phân cấp, phân quyền với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ…
Hình 4. PGS.TS Nguyễn Bá Chiến trình bày tham luận

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu về những vấn đề cải cách chính quyền địa phương theo quy định của Luật chính quyền địa phương năm 2015 như quy định việc uỷ quyền của Hội đồng Nhân dân cho thường trực Hội đồng Nhân dân giữa 2 kỳ họp để thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân; quy định trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Hội đồng Nhân dân tỉnh với Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã. Các đại biểu Pháp và Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề quan trọng về cải cách chính quyền địa phương ở Pháp, những tương đồng giữa chính quyền địa phương ở Pháp và Việt Nam có thể học hỏi: vấn đề hậu kiểm văn bản hành chính của chính quyền địa phương, vấn đề tòa án hành chính địa phương, tòa kiểm toán địa phương, sáp nhập các đơn vị hành chính (đơn vị hành chính liên xã), những vấn đề chính trị ở địa phương trong sáp nhập đơn vị hành chính.
Hình 5. Ông Phan Văn Hùng phát biểu kết luận Hội thảo

Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Kết luận Hội thảo, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho rằng kết quả Hội thảo sẽ góp phần giúp Bộ Nội vụ Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách hành chính và các vấn đề khác hai bên cùng quan tâm.
 

Tác giả: Phòng Hợp tác quốc tế

Nguồn tin: Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,563
  • Tháng hiện tại8,768
  • Tổng lượt truy cập7,908,580
Cố vấn học tập
Nop san pham khoa hoc
Trung tâm Thông tin Thư viện
Cổng thông tin Sv.Huha.Edu.vn
Thi truc tuyen
http://tongdai111.vn/
Phân hiệu tại Quảng Nam
Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ
Trung tâm Dịch vụ công
Tạp chí Khoa học Nội vụ
Phân hiệu tại Tp Hồ Chí Minh
Viện nghiên cứu và phát triển
Dang ky tin chi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi