1. Sơ lược lịch sử hình thành
Khoa Quản trị văn phòng là một đơn vị thuộc trường có các tên gọi là “Hành chính văn phòng”(giai đoạn 2001-2004), “Khoa Hành chính văn phòng và Thông tin Thư viện” (giai đoạn 2004 - 2008), “Khoa Quản trị văn phòng” (giai đoạn 2008 đến nay).
2. Chức năng, nhiệm vụ
Khoa Quản trị văn phòng có chức năng tổ chức thực hiện quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học và thấp hơn trong lĩnh vực quản trị văn phòng, thư ký văn phòng, kế toán, thống kê và các ngành nghề khác có liên quan; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3. Sứ mạng - Tầm nhìn - Triết lý và quan điểm đào tạo
- Sứ mạng: Giúp người học phát huy hết những năng lực tiềm ẩn của chính mình với một văn hoá giáo dục hiện đại; cung cấp cho người học chương trình đào tạo về chất lượng cao về khoa học quản trị - hành chính văn phòng góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tầm nhìn: Khoa Quản trị văn phòng phấn đấu trở thành đơn vị đào tạo có chất lượng cao, đạt chuẩn; đào tạo ra được những con người mạnh khoẻ về thể chất, mạnh mẽ về trí lực, đáp ứng được nhu cầu xã hội, sự phát triển và hội nhập của đất nước.
- Triết lý và quan điểm về đào tạo: “Đào tạo theo nhu cầu xã hội:đào tạo cái gì xã hội và doanh nghiệp cần chứ không phải đào tạo cái gì mình có” (Thực hiện từ năm 2008).
4. Thành tựu nổi bật
Ngành Quản trị văn phòng được xây dựng dựa trên nhu cầu của xã hội nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ về quản trị văn phòng bậc đại học để đảm nhiệm được công việc của chuyên viên làm công tác văn phòng và công việc của người quản lí, phụ trách văn phòng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Sinh viên tốt nghiệp:
Ngành Quản trị văn phòng được đào tạo ở bậc đào tạo cao đẳng từ năm 2006 đến 2018 có 11 khóa tốt nghiệp; bậc đào tạo đại học được đào tạo từ năm 2012 đến 2018 có 03 khóa tốt nghiệp.
Số sinh viên tốt nghiệp từ 2006 đến nay có 3.595 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Trong đó, ngành học Quản trị văn phòng có 3.301 sinh viên, ngành thư ký văn phòng có 294 sinh viên (nếu phân theo bậc học: đại học Quản trị văn phòng có 1.010 sinh viên, cao đẳng có 2.585 sinh viên).
- Sinh viên tốt nghiệp có việc làm:
Năm 2018, Khoa đã tiến hành khảo sát sinh viên tốt nghiệp Đại học, cao đẳng ngành Quản trị văn phòng và cao đẳng Thư ký văn phòng có kết quả: trên 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng ngành được đào tạo (Trong đó,40% người đang làm trong cơ quan Nhà nước, 31% đang làm cho doanh nghiệp tư nhân, 20% số người được hỏi làm việc trong các tập đoàn lớn, trong khi chỉ có 6% làm việc trong công ty nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài).
Sinh viên đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được người sử dụng lao động đánh giá cao đã góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu của Khoa và Nhà trường. Đây cũng là yếu tố giúp cho công tác tuyển sinh đại học từ năm 2012-2018 luôn thành công và hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học:
Khoa đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, nói chuyên đề, hội thi nghiệp vụ, tham quan khảo sát thực tế:
Năm 2008, Khoa Hành chính văn phòng và Thông tin Thư viện (Nay là các Khoa Quản lí xã hội, Khoa Quản trị văn phòng) tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường về “Đào tạo nguồn nhân lực Quản trị văn phòng đáp ứng yêu cầu hội nhập”.
+ Năm 2012, đồng tổ chức tọa đàm khoa học “Hợp tác nghiên cứu và đào tạo về quản trị văn phòng trong các trường đại học và cao đẳng Việt Nam”;
+ Năm 2014, Khoa Quản trị văn phòng tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản trị văn phòng đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
+ Năm 2015, Tổ chức tọa đàm “Quản trị văn phòng hiện đại”;
+ Năm 2018, tổ chức tọa đàm khoa học “Định hướng phát triển ngành Quản trị văn phòng tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội trong bối cảnh hội nhập khu vực và Quốc tế”.
- Tổ chức các cuộc thi:
Tổ chức cuộc thi “Hội thi soạn thảo văn bản giỏi” (năm 2010, 2011,2012); Tổ chức hội nghị “Sinh viên nghiên cứu khoa học” (năm 2016, 2017, 2018, 2019).
- Các hoạt động định hướng nghề nghiệp:
Với quan điểm “Đào tạo theo nhu cầu xã hội:đào tạo cái gì xã hội và doanh nghiệp cần chứ không phải đào tạo cái gì mình có”, Khoa Quản trị văn phòng đã chủ động tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo về liên kết đào tạo, tuyển dụng như: Tập đoàn Intracom (Ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng ngày 26/8/2016), Tập đoàn Hoa Sao (Ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng năm 2008); Tập đoàn Bellsystem 24 Hoa Sao; Trung tâm hợp tác Giáo dục quốc tế IECD (Ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng ngày 26/8/2016), Tập đoàn Empire; Công ty CP lưu trữ và số hóa HT; Công ty Lean, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hoàng Quốc Việt, Công ty SaVis vv.
+ Tổ chức “Ngày hội việc làm cho sinh viên” hằng năm;
+ Tổ chức ngày Văn phòng Việt Nam 28/8 hằng năm;
+ Tổ chức đào tạo kỹ năng “Nghệ thuật chinh phục nhà tuyển dụng”; đào tạo “Kỹ năng giao tiếp trong doanh nghiệp” vv.
+ Tổ chức các “Chương trình tham quan khảo sát về công tác văn phòng” tại các tập đoàn, cơ quan quản lý nhà nước;
+ Tổ chức nói chuyện chuyên đề “Văn phòng nghề và nghiệp”, “Văn hóa công sở” vv.
+ Chủ trì và biên soạn Chương trình khung và bộ tài liệu “Bồi dưỡng chức danh công chức văn phòng thống kê xã, phường, thị trấn” theo đề án 1956 và Đề án 1600 của Thủ tướng Chính phủ; tham gia xây dựng chương trình khung bồi dưỡng các chức danh lưu trữ (Lưu trữ viên trung cấp, lưu trữ viên, lưu trữ viên chính); tham gia đào tạo cho cán bộ Lào và Campuchia.
Với sự nỗ lực của tập thể viên chức, các hoạt động của Khoa đã đem lại hiệu quả thiết thực cho sinh viên, tạo sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng lao động.
- Các hoạt động từ thiện:
Hằng năm Câu lạc bộ Quản trị văn phòng trẻ tổ chức 2 đến 3 chương trình thiện nguyện, từ thiện:
+ Năm 2016: Chương trình “Tết yêu thương” tại Suối Nánh, Đà Bắc, Hòa Bình; Chương trình Giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể (Chương trình gây quỹ);
+ Năm 2017: Chương trình “Tết yêu thương lần 2” tại Thèn Sìn, Phong Thổ, Lai Châu;
+ Năm 2018: Chương trình “TRUNG THU YÊU THƯƠNG” tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu (thôn Tiên Cầu – xã Hiệp Cường – huyện Kim Động – tỉnh Hưng Yên);
CLB Văn phòng Trẻ - Khoa Quản trị văn phòng - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội kết hợp với CLB Tình nguyện viên Thủ đô, Đoàn TN Cơ quan TW Đoàn, Đoàn TN Ban tổ chức TW, Đoàn TN Ban dân vận TW và Đội TNXK Đại học Công Đoàn đã tổ chức chương trình tình nguyện " ĐÔNG ẤM CHO EM 2018 " tại huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá (khu vực miền núi bị thiệt hại do mưa lũ trong đợt hè 2018) và huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (khu vực miền núi có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống).
5. Cơ cấu tổ chức và nhân sự
Cùng với sự phát triển của Nhà trường, Khoa Quản trị văn phòng ngày càng phát triển lớn mạnh. Đến tháng 4/2019, Khoa Quản trị văn phòng có 26 viên chức được chia thành 4 tổ bộ môn (Quản trị văn phòng, Thư ký văn phòng, Văn bản, Kế toán - Thống kê)
6. Giới thiệu ngành Quản trị văn phòng của Khoa Quản trị văn phòng - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Ngành đào tạo: Quản trị văn phòng
Mã ngành: 52340406
Trình độ đào tạo: Đại học
6.1 Mục tiêu đào tạo
- Mục tiêu chung
Ngành Quản trị văn phòng được xây dựng dựa trên nhu cầu của xã hội nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ về quản trị văn phòng bậc đại học để đảm nhiệm được công việc của chuyên viên làm công tác văn phòng và công việc của người quản lí, phụ trách văn phòng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Mục tiêu cụ thể
a. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị văn phòng cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành:
* Kiến thức cơ bản
Kiến thức cơ bản là những kiến thức nền tảng để tiếp thu và phát triển kiến thức của ngành đào tạo phục vụ cho việc tiếp thu kiến thức ngành, nâng cao trình độ, học tập ở trình độ cao hơn, nghiên cứu giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn:
- Hiểu và nắm vững những kiến thức cơ bản về nguyên lí khoa học Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Những kiến thức về chính trị, pháp luật; kinh tế; văn hóa; lịch sử; tôn giáo, mỹ học, ngôn ngữ;
- Kiến thức chung về môi trường tự nhiên và xã hội;
- Các kiến thức và kỹ năng về giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng;
- Kiến thức về thống kê trong xã hội, nghiên cứu khoa học.
* Kiến thức cơ sở ngành:
Kiến thức cơ sở ngành là những kiến thức nền tảng cần có để tiếp thu các kiến thức chuyên ngành:
- Kiến thức về các học thuyết quản lí, các cấp quản trị;
- Kiến thức về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật Việt Nam;
- Kiến thức về tâm lí học quản lí;
- Kiến thức về kỹ năng giao tiếp;
- Kiến thức về hệ thống văn bản quản lí nhà nước và văn bản của các tổ chức khác.
* Kiến thức chuyên ngành
- Hiểu và nắm vững kiến thức về tổ chức và hoạt động văn phòng; phân tích được vị trí, vai trò của văn phòng và công tác văn phòng;
- Kiến thức về quản trị nhân lực;
- Kiến thức về nghiệp vụ thư ký văn phòng; nghi thức nhà nước, xây dựng văn hoá công sở;
- Kiến thức về công tác văn thư và công tác lưu trữ;
- Kiến thức về quản trị nguồn thông tin trong văn phòng; thu thập thông tin, xử lí và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lí;
- Kiến thức công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng;
- Kiến thức về tài chính kế toán, thống kê;
- Kiến thức và kỹ năng hoạch định, tổ chức, kiểm tra trong quản trị văn phòng;
- Kiến thức triển khai và áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO vào công tác quản trị văn phòng.
b. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị văn phòng đào tạo người học các kỹ năng nghề nghiệp, khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề, khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức, khả năng tư duy theo hệ thống, các kỹ năng cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý và lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ, và các kỹ năng mềm khác cần thiết trong công tác, nghiên cứu và đời sống.
c. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị văn phòng hình thành cho người học thái độ sống đúng đắn, đạo đức lành mạnh, lập trường và tư tưởng vững vàng và ý thức trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, cơ quan, xã hội và có thái độ đúng đắn về công việc sẽ đảm nhận sau khi ra trường.
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, sinh viên được giáo dục về tư chất và phẩm chất của người làm công tác văn phòng; có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh, lòng say mê, yêu nghề và ý thức trách nhiệm xã hội, đạo đức, tác phong của người cán bộ công chức, viên chức làm công tác văn phòng.
6.2 Chuẩn đầu ra
Người học sau khi tốt nghiệp trình độ đại học ngành Quản trị văn phòng phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:
1) Kiến thức
(1) Có kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác - Lênin; về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hoá, Hồ Chí Minh; có hiểu biết về nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng và của cách mạng nước ta;
(2) Có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an bảo vệ Tổ quốc;
(3) Hiểu và vận dụng các kiến thức cơ bản theo khối ngành Quản trị, quản lý, tổ chức; hiểu, áp dụng các kiến thức chung có liên quan tới nhóm ngành như văn thư - lưu trữ, khoa học quản lý, quản trị nhân lực để luận giải các vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác Quản trị văn phòng và có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong quản trị văn phòng;
(4) Nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để giải quyết các công việc phức tạp trong lĩnh vực văn phòng, quản trị văn phòng;
(5) Tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội để hội nhập nhanh với môi trường công tác hiện tại và tương lai hoặc có thể được đào tạo chuyên sâu hơn ở bậc học tiếp theo;
(6) Có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực quản trị văn phòng.
2) Kỹ năng
(7) Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành Quản trị văn phòng trong những bối cảnh khác nhau;
(8) Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực quản trị văn phòng;
(9) Có năng lực dẫn dắt chuyên môn về quản trị văn phòng để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;
(10) Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn; đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
(11) Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
(12) Có các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, bao gồm:
- Tổ chức các hoạt động văn phòng; giúp lãnh đạo cơ quan quản lí, triển khai, hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ văn phòng tại các đơn vị, bộ phận văn phòng của cơ quan, tổ chức;
- Hoạch định các chương trình, kế hoạch cho hoạt động của văn phòng và cơ quan;
- Tham mưu cho lãnh đạo cơ quan trong công tác xây dựng cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan, của văn phòng;
- Tham mưu - tổng hợp phục vụ hoạt động quản lý của lãnh đạo, cơ quan;
- Điều hành hoạt động của văn phòng;
- Quản trị nguồn nhân sự trong văn phòng, cơ quan;
- Kiểm tra, giám sát hoạt động của văn phòng, hoạt động của cơ quan;
- Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế, nội quy, quy định cho cơ quan, tổ chức;
- Tổ chức và sử dụng các nguồn thông tin phục vụ hoạt động quản lí; thu thập, xử lí và cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lí;
- Tổ chức quản lí và giải quyết văn bản; lập hồ sơ hiện hành; tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ của cơ quan;
- Tổ chức công việc, cải tiến lề lối làm việc, hiện đại hóa văn phòng;
- Soạn thảo các văn bản hành chính thông thường;
- Quản trị thiết bị; sử dụng trang thiết bị văn phòng;
- Ứng dụng tin học vào công tác quản trị văn phòng;
- Kỹ năng giao tiếp; làm việc nhóm.
(13) Có khả năng phát hiện và hình thành, tổng quát hóa; đánh giá, phân tích định lượng, định tính vấn đề về quản trị văn phòng trên cơ sở các căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Từ đó lập luận và xử lý thông tin, các vấn đề có liên quan đến Quản trị văn phòng và có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp đối với cấp trên;
(14) Có khả năng phát hiện vấn đề, kỹ năng tìm kiếm tài liệu và thu thập thông tin, được trang bị và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ; có khả năng tham gia vào khảo sát thực tế, công tác văn phòng, quản trị văn phòng tại cơ quan, tổ chức; và có thể chủ động nghiên cứu đưa ra giải pháp và kiến nghị đổi mới trong hoạt động chuyên môn;
(15) Có khả năng tư duy chỉnh thể, tư duy logic, phân tích đa chiều, đánh giá và phân tích định tính, định lượng vấn đề trong hoạt động quản trị văn phòng;
(16) Có khả năng tìm hiểu được sứ mạng, chiến lược, mục tiêu và kế hoạch của đơn vị mình công tác; vận dụng kiến thức được trang bị phục vụ có hiệu quả các công việc phù hợp với bối cảnh thực tế trong tổ chức;
(17) Có khả năng vận dụng linh hoạt và phù hợp các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tiễn; có khả năng vận dụng các định nghĩa, khái niệm cơ bản, hình thành ý tưởng liên quan đến hoạt động chuyên môn quản trị văn phòng và phát triển kỹ năng, chuyên môn của cá nhân.
3). Năng lực tự chủ và trách nhiệm
(18) Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ về văn phòng, quản trị văn phòng; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;
(19) Có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;
(20) Có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực văn phòng, quản trị văn phòng mang tính thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật;
(21) Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình;
(22) Có khả năng sáng tạo trong việc xây dựng mục tiêu cá nhân; có khả năng nghiên cứu cải tiến trong nghề nghiệp, cập nhật thông tin và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề; có khả năng làm chủ công nghệ thông tin về lĩnh vực nghề nghiệp;
(23) Hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình về việc xây dựng và phát triển ngành Quản trị văn phòng trong bối cảnh thực tế xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay; nắm bắt được diễn biến nhu cầu của xã hội đối với hoạt động quản trị văn phòng;
(24) Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng trong công tác quản trị văn phòng tại các cơ quan, tổ chức; có thái độ đúng đắn về công việc sẽ đảm nhận sau khi ra trường; có lòng say mê, yêu nghề và có ý thức trách nhiệm đối với công việc, đạo đức, tác phong của người cán bộ công chức, viên chức làm công tác văn phòng;
(25) Nhận thức được vị trí, vai trò của bản thân mình trong xã hội để có cái nhìn đúng đắn về mối quan hệ, trật tự và sự biến đổi của xã hội để có trách nhiệm hơn trong việc trong việc điều hòa các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định, trật tự của xã hội và hướng tới xây dựng một xã hội an toàn, giàu, đẹp và văn minh.
6.3 Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Người học sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc tại các vị trí công việc sau:
- Chuyên viên văn phòng tại cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ;
- Công chức văn phòng thống kê tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Nhân viên Hành chính - Văn thư, Hành chính văn phòng, lễ tân tại các cơ quan, doanh nghiệp;
- Cán bộ quản lý văn phòng hoặc bộ phận thuộc văn phòng tại các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương (Chánh, Phó văn phòng; Trưởng, Phó phòng Hành chính,...);
- Trợ lý lãnh đạo tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.
7. Thông tin liên hệ - Trụ sở: Phòng 406, 407 nhà A - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội;
- Điện thoại: 02437532864 (bấm máy lẻ 232);
- Email: khoaquantrivanphong@gmail.com
8. Một số ảnh hoạt động
Ảnh: Đội ngũ giảng viên của Khoa Quản trị văn phòng